Thủ tục cấp lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài
Bài viết dưới đây từ Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn về việc cấp lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài. Mời bạn cùng theo dõi!
Phiếu lý lịch tư pháp là gì?
Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp hoặc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cấp. Mục đích của lý lịch tư pháp là cung cấp các thông tin chứng minh một cá nhân có hay không có các án tích, bản án hoặc các quyết định xử phạt của Tòa án; có đang bị cấm đảm nhiệm các chức vụ hoặc thành lập, quản lý công ty, doanh nghiệp trong trường hợp công ty, doanh nghiệp bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Phiếu lý lịch tư pháp có mấy loại?
Theo quy định tại Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp, phiếu lý lịch tư pháp được phân thành 2 loại:
– Phiếu lý lịch tư pháp số 1: Cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
– Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Phiếu lý lịch tư pháp dùng vào mục đích gì?
Lý lịch tư pháp dùng cho các mục đích sau:
– Chứng minh tình trạng án tích của một cá nhân, có bị cấm đảm nhiệm các chức vụ hay thành lập, quản lý công ty hay không.
– Ghi nhận việc xoá án tích của một cá nhân.
– Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và hoạt động thống kê tư pháp hình sự.
– Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…
– Bổ sung hồ sơ xin việc làm tại Việt Nam của người nước ngoài, xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp?
Theo điều 44 Luật lý lịch tư pháp có quy định:
- a) Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp:
– Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;
– Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.
- b) Sở Tư pháp thực hiện việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp:
– Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;
– Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;
– Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Thủ tục cấp lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài
Người Việt Nam định cư tại nước ngoài cần phiếu lý lịch tư pháp số 2 để làm thủ tục nhập tịch hay các thủ tục khác có thể nhờ người thân tại Việt Nam nộp thay. Các bước cấp lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài như sau:
– Người Việt Nam ở nước ngoài đến Đại sứ quán Việt Nam ở nước đó khai tờ khai cấp phiếu lý lịch tư pháp mẫu số 03/2013/TT-LLTP. Sau đó yêu cầu Đại sứ quán chứng thực chữ ký trên tờ khai, đồng thời chứng thực chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu gửi về cho người thân ở Việt Nam.
– Người thân tại Việt Nam sau khi nhận được hồ sơ bên nước ngoài gửi về (bố, mẹ, vợ, chồng, con hoặc người được ủy quyền) mang hồ sơ đến nộp tại cơ quan có thẩm quyền như thông tin bên trên.
– Thành phần hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài:
- Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (đã được chứng thực tại Đại sứ quán);
- Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước công dân, hộ chiếu của người xin cấp phiếu lý lịch tư pháp (đã được chứng thực tại Đại sứ quán);
- Bản sao sổ hộ khẩu của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp hoặc giấy tờ chứng minh nơi cư trú trước khi xuất cảnh (trường hợp không còn tên trong sổ hộ khẩu gia đình);
- Văn bản ủy quyền có công chứng (nếu người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần);
- Giấy tờ chứng minh mối quan hệ và giấy tờ tùy thân của người được ủy quyền (trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp nộp bản chụp chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật).
Trên đây chúng tôi đã chia sẻ cho bạn những thông tin cơ bản về lý lịch tư pháp cũng như cách làm lý lịch tư pháp cho người Việt Nam ở nước ngoài. Do các thông tin này có thể thay đổi bất cứ lúc nào cũng như mỗi trường hợp có thể yêu cầu thêm những hồ sơ, giấy tờ khác nên bạn vui lòng liên hệ hotline 1900 6859 để được tư vấn cụ thể cho trường hợp của mình.