Những điều bạn cần biết về thẻ doanh nhân APEC (ABTC)
Thẻ doanh nhân APEC (ATBC) mang đến cho sở hữu quyền lợi “vàng” khi được miễn visa khi nhập cảnh 19 nền kinh tế thành viên APEC (trừ Mỹ và Canada). Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về tấm thẻ quyền lực này.
Thẻ doanh nhân APEC (ATBC) là gì?
Thẻ đi lại doanh nhân APEC (tiếng Anh: APEC Business Travel Card; viết tắt: ABTC) là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên tham gia vào Chương trình thẻ doanh nhân APEC cấp cho doanh nhân của mình. Sự ra đời của chiếc thẻ này nhằm mục đích mang đến sự thuận tiện tối đa trong việc đi lại của các doanh nhân trong khối để thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham dự hội nghị, hội thảo và một số mục đích khác trong lĩnh vực kinh tế tại các quốc gia và và vùng lãnh thổ thuộc khối APEC.
Các quy định liên quan đến thẻ APEC
Thẻ đi lại doanh nhân APEC có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp (trước đây là 3 năm) và không được gia hạn. Cá nhân sở hữu thẻ sẽ được miễn visa (thị thực) khi nhập cảnh các nước và vùng lãnh thổ có tên ghi trong thẻ, với điều kiện phải xuất trình kèm theo hộ chiếu hợp lệ. Sau khi nhập cảnh, người mang thẻ ABTC sẽ được cấp chứng nhận tạm trú theo thời hạn quy định của các nước hoặc vùng lãnh thổ mà mình nhập cảnh.
Người được cấp thẻ ABTC có trách nhiệm sử dụng thẻ đúng mục đích nhập cảnh, tuyệt đối không dùng thẻ cho các mục đích vi phạm pháp luật vì sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, người sở hữu thẻ cũng phải bảo quản thẻ cẩn thận; không được phép tự ý sửa đổi nội dung trong thẻ.
Doanh nhân được cấp thẻ ABTC vi phạm pháp luật Việt Nam sẽ bị cơ quan có thẩm quyền Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tại Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an là cơ quan chủ trì việc cấp thẻ đi lại doanh nhân ABTC.
Đối tượng được cấp thẻ doanh nhân APEC
Theo quy định, chỉ những đối tượng trong danh sách dưới đây mới có đủ tiêu chuẩn để yêu cầu cấp thẻ đi lại doanh nhân APEC:
- Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước:
– Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty trực thuộc Thủ tướng Chính phủ;
– Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc; Giám đốc, Phó giám đốc các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất của Việt Nam; Giám đốc, Phó giám đốc Ngân hàng Việt Nam hoặc Giám đốc, Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Việt Nam;
– Kế toán trưởng hoặc Trưởng/Phó phòng các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, ngân hàng, chi nhánh Ngân hàng Việt Nam trở lên.
- Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Luật Đầu tư tại Việt Nam:
– Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc; Giám đốc, Phó giám đốc các doanh nghiệp; kế toán trưởng hoặc người có chức danh Trưởng phòng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh;
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch, Phó Chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn; Chủ tịch ban quản trị hợp tác xã, Chủ nhiệm hợp tác xã.
- Các trường hợp khác:
– Lãnh đạo các ngành kinh tế, Thủ trưởng cấp Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp quản lý các hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC;
– Công chức, viên chức nhà nước tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động kinh tế khác của APEC; Trưởng, Phó cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ thành viên tham gia Chương trình ABTC.
Điều kiện cấp thẻ ABTC là gì?
Để yêu cầu cấp thẻ thẻ doanh nhân APEC, đương đơn cần thỏa mãn những điều kiện sau:
– Là doanh nhân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không bị mất năng lực hành vi dân sự, mang hộ chiếu còn thời hạn sử dụng trên 12 tháng.
– Đang làm việc tại các doanh nghiệp có hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư và dịch vụ với các đối tác trong các nền kinh tế thành viên APEC và điều đó phải được được thể hiện thông qua các hợp đồng kinh tế, thương mại, các dự án đầu tư và các hợp đồng dịch vụ cụ thể.
– Cung cấp được hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm chức vụ và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ tại doanh nghiệp đang làm việc.
– Không thuộc các trường hợp chưa được phép xuất cảnh (theo Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp và quản lý thẻ đi APEC).
– Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 06 tháng trở lên.
– Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao động và bảo hiểm xã hội.
Thủ tục và thời gian cấp thẻ ABTC
– Văn bản đề nghị của doanh nghiệp, được đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký tên và đóng dấu (theo mẫu).
– Bản sao một trong các loại giấy tờ: thư mời, hợp đồng ngoại thương, hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng cung cấp dịch vụ hoặc các chứng từ xuất nhập khẩu không quá 01 năm tính đến thời điểm nộp đơn xin cấp thẻ đi lại doanh nhân APEC (mang theo bản chính để đối chiếu). Nếu nộp các văn bản bằng tiếng nước ngoài cần nộp kèm bản dịch tiếng Việt.
– Bản sao hộ chiếu;
– Bản sao quyết định bổ nhiệm chức vụ;
– Bản sao sổ Bảo hiểm xã hội;
– + Hóa đơn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 06 tháng gần nhất (02 bản sao đóng dấu công ty);
– 08 ảnh 3 x 4cm (phông nền trắng).
Thời gian cấp: 10 ngày làm việc
Mang theo bản chính để đối chiếu nếu là bản sao không có sao y chứng thực.
Lệ phí (nếu có): Thẻ đi lại doanh nhân APEC cấp lần đầu: 1.200.000đ
Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sử dụng thẻ APEC
– Doanh nghiệp có cá nhân được cấp thẻ doanh nhân APEC có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng thẻ định kỳ hàng năm (hạn chót vào 31/12 mỗi năm) gồm các nội dung ban hành kèm theo quy chế này.
– Doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trong báo cáo cũng như cam kết chấp hành pháp luật và các quy định của các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên APEC áp dụng đối với người mang thẻ ABTC. Nếu không tuân thủ sẽ bị xem là vi phạm quy chế và tất cả thẻ ABTC của các cá nhân thuộc doanh nghiệp sẽ bị tước quyền sử dụng.
– Nếu doanh nhân sở hữu thẻ ABTC nghỉ việc hoặc chuyển công tác, doanh nghiệp buộc phải giữ lại thẻ và báo cáo ngay với các cơ quan có thẩm quyền để báo cáo lên UBND thành phố để ra quyết định thẻ không còn giá trị sử dụng, sau đó cần liên hệ và nộp lại thẻ cho Cục Quản lý Xuất nhập cảnh – Bộ Công an quản lý.
– Nếu doanh nghiệp giới thiệu không đúng người hoặc đúng tiêu chí, điều kiện xét cho phép sử dụng thẻ ABTC thì toàn bộ người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và những doanh nhân được đề nghị cho phép sử dụng thẻ của doanh nghiệp sẽ được các cơ quan có thẩm quyền trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định và thông báo đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh về việc thẻ ABTC không còn giá trị sử dụng và đồng thời chịu những chế tài khác của pháp luật.
Thẻ Apec đi được những nước nào?
Có thẻ APEC, doanh nhân có thể thoải mái nhập cảnh các quốc gia sau mà không cần thị thực: Úc (AUS), Brunei (BRN), Chile (CHL), Trung Quốc (CHN), Hồng Kông (HKG), Indonesia (IDN), Nhật Bản (JPN), Hàn Quốc (KOR), Mexico (MEX), Malaysia (MYS), New Zealand (NZL), Peru (PER), Philippines (PHL), Papua New Guinea (PNG), Nga (RUS), Singapore (SGP), Thái Lan (THA), Đài Loan (TWN).
Các khuyến cáo liên quan đến thẻ ABTC
– Doanh nhân chỉ nên sử dụng thẻ ABTC để nhập cảnh đúng với mục đích kinh doanh theo quy định cũng như cung cấp đầy đủ địa chỉ làm việc của các cơ quan đối tác, các hợp đồng kinh doanh liên quan.
– Khi nhập cảnh bằng thẻ ABTC, khi được hỏi về mục đích nhập cảnh, người nhập cảnh phải trả lời mục đích chuyến đi là kinh doanh. Tuyệt đối không trả lời các mục đích khác như: du lịch, thăm thân… vì điều này có thể khiến bạn gặp rắc rối hoặc được đề nghị xin thị thực mới để có thể phù hợp chuyến đi.
– Doanh nhân nhập cảnh bằng thẻ ABTC phải lưu trú đúng thời hạn cho phép, nếu ở lại quá thời gian quy định, bạn sẽ bị thu lại thẻ và trục xuất bạn ra khỏi quốc gia đó.
(*) Căn cứ pháp lý:
Quyết định 45/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC
Quyết định số 50/2006/QĐ-BTC ngày 22/9/2006 Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp thẻ ABTC của doanh nhân APEC
Thông tư số 10/2006/TT-BCA ngày 18/9/2006 Hướng dẫn thực hiện quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC ban hành kèm theo Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Nếu có nhu cầu làm thẻ APEC tại TP.HC M, vui lòng liên hệ Dịch vụ làm thẻ APEC tại HCM Liên Đại Dương qua hotline 1900 6859 để biết thêm chi tiết.